Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng của con người để làm nên những sản phẩm, những thành tựu, những giá trị dưới dạng hữu hình và vô hình (vật thể hoặc phi vật thể). Nghệ thuật mang trong mình bản chất về cái đẹp, chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng - thẩm mỹ - quan niệm – tín ngưỡng…mang tính văn hóa.
Trong đời sống xã hội hiện nay, bên cạnh việc phát triển về kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước thì đời sống văn hóa trong các trường đại học cho sinh viên đã được nâng cao rõ nét. Đây cũng chính là tất yếu của xu thế phát triển chung, không phải chỉ được kế thừa từ truyền thống văn hoá vẻ vang của mỗi quốc gia mà sự phát triển nhanh về phương diện văn hoá đã có tính chất toàn cầu, tạo ra những diện mạo văn hoá - xã hội cho mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mang đậm dấu ấn của thời đại. Đời sống văn hoá - xã hội phát triển, kéo theo nó là sự nâng cao hơn những nhu cầu thưởng thức, cảm nhận các mặt văn hoá xã hội nói chung và các chương trình nghệ thuật nói riêng.
Trong đời sống xã hội, có nhiều loại hình nghệ thuật. Các chương trình nghệ thuật cho sinh viên vừa có tính chất tập hợp đông đảo sự tham gia của sinh viên, vừa mang ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng. Đặc biệt, trong hoạt động giáo dục thể chất, các chương trình nghệ thuật mang một ý nghĩa và tầm quan trọng bởi thông qua đó khẳng định được tầm vóc, quy mô, hình thức của hoạt động, thậm chí còn có sức ảnh hưởng đối với uy tín của đơn vị tổ chức. Chính vì vậy, việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho sinh viên có ý nghĩa thực tiễn trong các hoạt động của mỗi nhà trường.
Từ nhận thức như vậy, chúng tôi mong muốn có những đóng góp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cũng như giá trị của các chương trình nghệ thuật, như: Hội diễn, hội thi tiếng hát sinh viên, nghiệp vụ sư phạm, lễ kỷ niệm, lễ hội, đại hội... bởi các hoạt động trên cũng là một cách phản ánh chân thực nhất đời sống văn hoá, tinh thần của sinh viên trong các trường cao đẳng - đại học. Mặt khác, các chương trình nghệ thuật cũng đem đến cho xã hội một tiếng nói, một khát vọng, một sự gửi gắm về tư tưởng, tình cảm cũng như tư duy của sinh viên đối với cuộc sống đương đại. Và trên hết, chính các chương trình nghệ thuật phục vụ và chuyển tải nội dung cho các hoạt động chính trị, văn hóa cũng nói lên trình độ nhận thức, diện mạo về trí tuệ và sức cảm thụ của con người trong đời sống văn hoá tinh thần; đồng thời, giúp nâng cao nhân cách, giáo dục chính trị, giáo dục thẩm mỹ, phát triển kỹ năng sáng tạo nghệ thuật cho sinh viên, hướng thế hệ trẻ Việt Nam vào các hoạt động mang tính cộng đồng. Có thể nói, các chương trình nghệ thuật chính là biểu hiện hoàn chỉnh nhất, tiêu biểu nhất của sinh hoạt cộng đồng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, qua khảo sát các chương trình nghệ thuật trong các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội thì ngoài các trường chuyên như: Học viện Âm nhạc Quốc gia, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Đại học Nghệ thuật Quân đội …, các chương trình nghệ thuật ở các trường không chuyên chưa có vai trò nhất định mà ở đây chủ yếu là phục vụ các ngày lễ trong năm và tham gia các chương trình hội diễn, hội thi theo yêu cầu của Bộ, Ban, Ngành; mang tính chất nhất thời, chưa thực sự trở thành một nội dung trong phương pháp giáo dục và phát triển nhân cách toàn diện cho sinh viên.
Bên cạnh đó, các hoạt động như thể dục thể thao, hội thi của các ngành nghề,... trong quá trình tổ chức thường lồng ghép với các nội dung nghệ thuật. Điều này cho thấy bản thân hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội hoá cao. Như trong nội dung hội thi Nghiệp vụ Sư phạm Toàn quốc, ngoài những nội dung thi đấu thể dục thể thao, không thể thiếu hai nội dung quan trọng là phần thi nghiệp vụ sư phạm và phần thi văn nghệ. Muốn làm được điều đó, các nhà tổ chức phải sử dụng các loại hình nghệ thuật như một phương tiện để chuyển tải mọi ý nghĩa của hoạt động; đồng thời cũng để động viên, khích lệ hoặc để khắc hoạ một dấu ấn, một sự kiện.
Các chương trình nghệ thuật chính là hình thức, là cầu nối, là bộ phận trong bản thân hoạt động đó. Vậy nên, muốn chương trình nghệ thuật như hội diễn, hội thi, lễ kỷ niệm, lễ hội có hiệu quả phải có cách thức đánh giá, nghiệm thu nó.
Trước hết, cần tìm hiểu nghệ thuật là gì?
Cho đến nay, khi bàn về khái niệm nghệ thuật tức là đang bàn về sự đa dạng, phong phú và phức tạp về quan điểm của tất cả các nhà học giả, các nhà nghiên cứu, các hệ thống triết thuyết khác nhau ở tất cả các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử và ở mọi không gian khác nhau, mọi góc độ khác nhau khi nhìn vào một hình thái ý thức của xã hội, đó là Nghệ thuật. Tuy nhiên, danh từ Nghệ thuật đang được nhiều sự quan tâm và có thể đưa ra đây những khái niệm có tính chất đồng nhất và tương đối tiệm cận với đời sống, đó là:
Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng của con người để làm nên những sản phẩm, những thành tựu, những giá trị dưới dạng hữu hình và vô hình (vật thể hoặc phi vật thể). Nghệ thuật mang trong mình bản chất về cái đẹp, chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng - thẩm mỹ - quan niệm - tín ngưỡng… mang tính văn hóa. Nghệ thuật là “cái” mang tác dụng tác động vào môi trường sống của con người, làm nên những rung cảm, tư tưởng, tình cảm cho người thưởng thức. Đồng thời chính những rung cảm, tư tưởng tình cảm của cuộc sống lại là chất liệu để người nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Do đó, sức sáng tạo nghệ thuật là không ngừng và nghệ thuật chứa đựng trong mình nhiều thể tài, đề tài và loại hình loại thể khác nhau.
Một số vấn đề về đạo diễn và dàn dựng chương trình nghệ thuật
Khi bàn về đạo diễn và dàn dựng chương trình nghệ thuật, chúng ta hiểu rằng đó là những chương trình nghệ thuật tổng hợp. Đó là sự liên kết, hợp thành từ những tác phẩm, tiết mục đơn lẻ nằm trong một tổng thể, sắp xếp cố định và chương trình đó đã hàm chứa tính nghệ thuật tổng hợp. Nói cách khác, chương trình nghệ thuật tổng hợp là tập hợp các tác phẩm, tiết mục đơn lẻ của nhiều loại hình nghệ thuật. Song, nó phải tuân theo quy luật cấu trúc và cân bằng sinh thái, tình cảm, tâm lí và thẩm mĩ người xem. Chương trình nghệ thuật tổng hợp phải thực hiện được hai yêu cầu là tính logic nghệ thuật và tính logic khoa học, tính hợp lí, hấp dẫn.
Chương trình nghệ thuật tổng hợp rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều loại hình, nhiều hình thức, dạng, kiểu kết cấu nghệ thuật, thành tố nghệ thuật. Tùy theo yêu cầu, mục đích, nội dung, tính chất của từng loại chương trình mà lựa chọn các tác phẩm, tiết mục, loại hình cho thích hợp.
Nghề đạo diễn
Đạo diễn là một môn nghệ thuật, nghề nghệ thuật ở cấp cao, đòi hỏi phải được đào tạo, trang bị kiến thức về nhiều mặt, có tính hệ thống, tính lí luận và năng lực thực hành. Thực chất, nghề đạo diễn là nghề hướng dẫn, truyền đạt cho diễn viên kiến thức về cách thức, các phương pháp thể hiện, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật, nghĩa là người đạo diễn phải chỉ ra, phân tích cho diễn viên thấu hiểu nội dung, cấu trúc, tính cách của từng loại tác phẩm; đồng thời, phải gợi ý cho người thực hiện (diễn viên) về tình cảm, kĩ thuật, thủ pháp xử lí tác phẩm mà người diễn viên sẽ trình bày.
Người đạo diễn sự kiện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nên những hình ảnh khác biệt, đặc trưng, mang giá trị nội dung và tính thẩm mỹ nghệ thuật cao cho mỗi sự kiện. Có thể nói, thông qua tài năng của người đạo diễn, mỗi sự kiện sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Công việc của người đạo diễn là dàn dựng. Đó là một trong những thành tố quan trọng hàng đầu của quy trình tổ chức sự kiện..